Khoa học đã chứng minh chơi với gương soi có thể giúp trẻ phát triển tư duy, kỹ năng về thể chất và khả năng nhận thức về bản thân. Cha mẹ hãy cho con có nhiều cơ hội được tự khám phá trò chơi với gương.
Nghiên cứu của Dosman và Andrews về Dự đoán cho sự phát triển nhận thức và cảm xúc xã hội của trẻ từ 0 – 5 tuổi, đăng trên Tạp chí Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em năm 2012, đã chỉ ra rằng: ngay từ khi ra đời, trẻ đã có xu hướng chú ý đến những khuôn mặt trong tầm nhìn của mình. Khi trẻ được khoảng 9 – 12 tháng tuổi, cha mẹ có thể tận dụng điều này để phát triển một số kỹ năng như: phối hợp mắt – tay, phát triển ngôn ngữ, nghe và bắt chước.
Một khi khả năng nhìn của trẻ phát triển hơn, chúng sẽ luôn thích nhìn những khuôn mặt, bao gồm cả mặt của mình trong gương. Có thể lúc này cha mẹ đã hướng dẫn trẻ làm quen với gương soi, nhưng hãy cho con thêm cơ hội được tự khám phá trò chơi với gương nữa.
1- Mẹo giúp trẻ chơi với gương soi một cách an toàn
Bên dưới đây, gợi ý cho bạn một số mẹo để giúp trẻ thoải mái chơi với gương soi:
- Sử dụng gương bằng kính cường lực. Cố định gương một cách an toàn.
- Vị trí, kích cỡ của gương cần phù hợp để khi chơi, trẻ có thể quan sát toàn thân của mình và người chơi với trẻ.
- Chơi trò chơi gọi tên các bộ phận trên cơ thể. Đặt trẻ ở tư thế ngồi nhìn vào gương, nói trẻ hãy chỉ vào mắt, mũi, tai… của mình. Nếu trẻ không biết thì cha mẹ có thể chỉ vào mắt/ mũi/ tai… của mình hoặc của trẻ và lặp lại nhiều lần cho đến khi trẻ nắm bắt được điều này. Hoạt động này giúp trẻ học được tên gọi của các bộ phận trên cơ thể mà có thể trẻ không nhìn thấy được.
- Chơi trò bắt chước. Làm mặt hề trong gương bằng cách chun mũi, lè lưỡi, trố mắt, cười, mếu… và yêu cầu trẻ làm theo. Không có gì đáng yêu hơn một em bé đang cố gắng bắt chước theo biểu cảm của người khác. Trò chơi này chắc chắn sẽ mang lại nhiều tiếng cười thoải mái cho tất cả mọi người.
- Chơi trò múa rối. Dùng các đồ chơi trẻ yêu thích như là những con rối, vừa múa rối vừa kể chuyện trước gương. Mời gọi trẻ cùng chơi và cha mẹ có thể quan sát xem con đã hiểu mối liên hệ giữa mình và hình ảnh trong gương chưa.
Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng trẻ không nhận ra hình ảnh phản chiếu trong gương là chính mình cho đến khi được khoảng 9 tháng tuổi (Susanne Kristen-Antonow, 2015).
2- Hai cách kiểm tra xem con đã biết hình ảnh trong gương là chính mình hay chưa
Dùng hình dán hoặc son môi
Dán một hình dán nhỏ hoặc dùng son môi bôi lên người của trẻ rồi đặt con ngồi trước gương. Nếu trẻ đưa tay với lấy hình dán/ vết son trên chính khuôn mặt của mình mà không phải quơ quào hình ảnh trong gương thì chứng tỏ rằng con đã biết em bé trong gương chính là mình. Đó là một dấu mốc khá quan trọng trong nhận thức của trẻ. Quan sát biểu cảm của trẻ khi khám phá ra điều này cũng sẽ rất thú vị.
Dùng đồ chơi
Một cách khác là khi trẻ đang nhìn chăm chú vào gương thì có thể đặt một thứ đồ chơi nào đó ngay bên cạnh trẻ. Nếu con cố gắng với lấy đồ chơi trong hình ảnh phản chiếu mà không phải là đưa tay sang bên cạnh cầm lấy nó thì chứng tỏ là con vẫn chưa có ý niệm gì về mối quan hệ giữa hình ảnh trong gương và chính mình đâu.
Nguồn: Sưu tầm