Tranh “Đào nguyên” giá 34,7 triệu USD, khắc họa thiên đường chốn nhân gian của danh họa Trương Đại Thiên.
Trương Đại Thiên đang được nhắc đến nhiều khi liên tiếp có tranh đấu giá trong các phiên của Christie’s, Sotheby’s… Artnews liệt kê lại những tác phẩm đắt giá nhất của ông, trong đó có bức Đào nguyên – từng bán với giá 34,7 triệu USD (827 tỷ đồng) trong phiên Thư pháp Trung Quốc của Sotheby’s vào tháng 4/2016. Người mua là tỷ phú Lưu Ích Khiêm – người sáng lập Long Museum tại Thượng Hải.
Tranh cuộn mực và màu loang trên giấy, kích thước 209×92,2 cm, mô tả khung cảnh những ngôi nhà ẩn mình trên đỉnh núi, phía dưới là vườn đào đang nở rộ, bên cạnh ngư dân đang câu cá như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Theo Sohu, trong giới nghệ thuật hội họa Trung Quốc, thuật ngữ “cải lão hoàn đồng” dùng để chỉ họa sĩ không vì tuổi già mà lãng phí bút mực, càng lớn tuổi lại càng thay đổi, dám thách thức những phong cách hội họa chính thống. Trương Đại Thiên là trường hợp điển hình. Họa sĩ kết hợp kỹ thuật vẽ và mực truyền thống Trung Quốc với nghệ thuật trừu tượng của phương Tây.
Đường nét của ngọn núi được vẽ bằng một vệt mực lớn, trông rất tráng lệ. Những bông hoa đào được khắc họa cẩn thận bằng bút lông mịn. Nét vẽ tỉ mỉ, rõ ràng, màu sắc tương phản mạnh mẽ, giúp giữ được vẻ thơ mộng và tăng thêm cảm xúc thẩm mỹ hiện đại.
Theo Chinashj, ra đời năm 1982, Đào nguyên là tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật vẽ tranh bằng mực và màu của Trương Đại Thiên trong những năm cuối đời. Tác phẩm lần đầu được bán tại Sotheby’s Hong Kong năm 1987 với giá 1,87 triệu HKD (5,7 tỷ đồng), phá kỷ lục đấu giá tranh và thư pháp hiện đại của Trung Quốc bấy giờ.
Tác phẩm khắc họa thiên đường chốn nhân gian mà Trương Đại Thiên luôn mơ ước, theo Sotheby’s. Năm 1976, Trương Đại Thiên nộp đơn xin định cư ở Đài Loan. Ông tìm thấy Ngoại Song Khê – ngoại ô Đài Bắc, bao quanh bởi núi và sông, với trang trại và cánh đồng. Ông xem đây là thiên đường dưỡng già của mình.
Tuy nhiên, ông không ngờ rằng nơi yên tĩnh dần trở nên đông đúc, nhộn nhịp khi xuất hiện các khu nhà dành cho những người giàu có. Họa sĩ không còn cách nào khác ngoài chấp nhận thực tại và đưa điều đó vào trong bức tranh. Trong đó, ông viết: “Song Khê hoa đào nở/ Tôi già đi và chán thành phố ồn ào/ Ai có thể tin khi A Siêu đến/ Đào nguyên trần gian chỉ là một giấc mơ”. Trong cuốn Thế giới của Trương Đại Thiên, tác giả Phó Thân nhận định: “Đào nguyên là hình chiếu lý tưởng cao đẹp của họa sĩ, có lẽ suy cho cùng cũng là ảo ảnh không thể sở hữu”.
Theo Sohu, thời thanh niên, Trương Đại Thiên sang Nhật Bản du học, sau đó phiêu bạt nhiều quốc gia. Ông được gọi là họa sĩ của những chuyến lữ hành. Vì nhiều lý do, nửa cuối đời, ông không quay lại cố hương. Họa sĩ sống tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Argentina, Brazil, Mỹ, Pháp, Đài Loan. Trong phần giới thiệu tác phẩm, nhà đấu giá viết: “Trương Đại Thiên dùng cả cuộc đời để đi khắp thế giới, tìm kiếm thiên đường cho chính mình. Thế nhưng đến khi qua đời ở Ngoại Song Khê, ông vẫn chưa tìm được. Cuối cùng, ông nhận ra rằng không có đào nguyên trên thế giới”.
Trương Đại Thiên sinh năm 1899 ở tỉnh Tứ Xuyên, vào cuối triều đại Thanh. Thuở nhỏ, ông học hội họa từ mẹ và anh trai, Trương Thiện Tử. Ông tinh thông vẽ chân dung, chim muông tới sơn thủy, hoa lá. Nghệ sĩ để lại lượng tác phẩm đồ sộ bởi mỗi năm, ông sáng tác khoảng 500 bức tranh. Họa sĩ qua đời năm 1983 ở Đài Loan.