Trà Chiều – Thú Vui Cũ Cảm Hứng Mới

Bắt nguồn từ thế kỷ 19 ở Vương quốc Anh, nghi thức trà chiều đã lan tỏa ra khắp thế giới và hòa nhập với nét văn hóa riêng của từng địa phương để trở thành một trải nghiệm văn hóa đa chiều.

TỪ THÚ VUI QUÝ TỘC ĐẾN DI SẢN VĂN HÓA ANH QUỐC

Trải nghiệm trà chiều (afternoon tea) gắn liền với văn hóa nước Anh. Nghi thức trứ danh được coi như di sản văn hóa quốc gia lại có khởi nguồn rất đơn thuần. Chuyện kể rằng, ở nước Anh thế kỷ 19, một ngày chỉ có hai bữa chính là sáng và tối. Vậy nên quý bà Anna, nữ Công tước thứ 7 của Bedford thường cảm thấy uể oải và đói bụng vào buổi chiều. Để lót dạ, bà yêu cầu được phục vụ một bữa phụ gồm bánh ngọt và trà. Dần dà, bữa phụ này trở thành một phần không thể thiếu trong ngày của nữ Công tước. Bà còn mời thêm nhiều bạn bè khác thuộc giới thượng lưu đến tham dự cùng mình, tất cả quây quần bên bàn trà, cùng chuyện phiếm và tận hưởng một buổi chiều thảnh thơi. Thú vui thưởng trà chiều ban đầu chỉ giới hạn trong các buổi gặp gỡ riêng tư như vậy, nhưng từ khi có Nữ hoàng Victoria hưởng ứng, văn hóa này nhanh chóng được nhân rộng trên khắp nước Anh. Đến giữa những năm 1880, phụ nữ quý tộc Anh đã hình thành thói quen mặc áo choàng dài, đeo găng tay và đội mũ đến dự các tiệc trà diễn ra từ 4 đến 5 giờ chiều. Việc tổ chức tiệc trà chiều dần được nâng tầm thành một nghi thức giao tế trang trọng, với nhiều nguyên tắc chặt chẽ từ khâu bày biện bàn trà, chọn thực đơn bánh, cho tới cung cách nhập tiệc và phục trang của khách mời.

Bộ ấm tách được chế tác từ bạc và sứ xương cao cấp để tăng sức chịu nhiệt, bảo đảm trọn vẹn hương vị trà; có hoa văn tinh xảo và mang giá trị thẩm mỹ cao, hòa hợp với màu sắc của bánh ăn kèm

Tiệc trà chiều là nơi phụ nữ quý tộc Anh thời bấy giờ thể hiện được quyền lực mềm của họ. Cuộc chuyện phiếm bên bàn trà chiều dần trở thành nghi thức giao tế quan trọng, giúp thắt chặt mối quan hệ hữu hảo giữa các gia đình thượng lưu.

Một bàn trà chiều truyền thống Anh quốc luôn có tháp bánh nhiều tầng đặt ở trung tâm, cùng bộ ấm tách trà và dụng cụ ăn uống cao cấp đặt xung quanh. Khăn trải bàn thường là vải trắng thêu ren hoa nhằm làm nổi bật đồ trang trí và tạo ấn tượng sạch sẽ. Công đoạn pha chế và mời trà rất được chú trọng, theo đó, trà phục vụ khách mời phải là trà lá rời hảo hạng đến từ các vùng trồng chè nổi tiếng ở Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Sri Lanka. Trà không được rót trực tiếp vào tách mà phải thông qua dụng cụ lọc để giữ lại lá, chỉ rót đầy tới hơn nửa tách là dừng. Bộ ấm tách được chế tác từ bạc và sứ xương cao cấp để tăng sức chịu nhiệt, bảo đảm trọn vẹn hương vị trà; có hoa văn tinh xảo và mang giá trị thẩm mỹ cao, hòa hợp với màu sắc của bánh ăn kèm. Thông thường, tháp bánh có ba tầng, mỗi tầng đựng một loại bánh khác nhau theo thứ tự dưới mặn, trên ngọt. Từ thời Nữ hoàng Victoria, một loại bánh mì kẹp đặc biệt được cắt nhỏ chỉ bằng ngón tay và không có vỏ đã trở thành món đặc trưng của tiệc trà chiều. Món bánh này thường nằm ở khay dưới cùng, với nhân kẹp phổ biến là dưa chuột xắt lát mỏng, cá hồi hun khói kèm kem phô mai, gà nướng, giăm bông hoặc sốt mayonnaise trứng. Nằm ở khay giữa là bánh scone, một loại bánh nướng mềm vừa, thường được ăn kèm với mứt dâu tây hoặc kem đông. Khay trên cùng là các loại bánh ngọt, bánh kem nhiều màu. Thứ tự dùng bánh cũng là mặn trước, ngọt sau; và riêng với bánh nướng, khách mời được khuyến khích dùng tay tự cắt bánh và phết kem đông để có trải nghiệm thưởng thức tốt nhất.

Có xuất phát điểm từ giới quý tộc, nghi thức trà chiều truyền thống Anh quốc cũng có những quy định tương tự các bữa tiệc thượng lưu khác. Chẳng hạn về mặt phục trang, khách mời cần ăn bận trang nhã và cầu kỳ để thể hiện sự tôn trọng với gia chủ. Khi dùng trà, khách mời cần lưu ý không khuấy muỗng va vào thành tách để gây ra âm thanh lớn, mà chỉ nên đưa muỗng qua lại nhẹ nhàng. Thìa khuấy trà xong cần được để gọn gàng lên đĩa đựng, không uống trà với thìa còn trong tách. Bộ nguyên tắc ứng xử trong tiệc trà chiều truyền thống còn nhiều chi tiết khác nữa, tất cả đều nhằm giữ gìn những tập quán lâu đời trong văn hóa Hoàng gia Anh. Cũng phải nói thêm rằng, tiệc trà chiều là nơi phụ nữ quý tộc Anh thời bấy giờ thể hiện được quyền lực mềm của họ. Bởi đây là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà phụ nữ được toàn quyền làm chủ, gián tiếp bày tỏ gu thẩm mỹ và vị thế xã hội của mình. Cuộc chuyện phiếm bên bàn trà chiều dần trở thành nghi thức giao tế quan trọng, giúp thắt chặt mối quan hệ hữu hảo giữa các gia đình thượng lưu.

Khâu bày biện bàn trà chiều không thể thiếu các thành phần thiết yếu, bao gồm tháp bánh mặn -ngọt, bộ ấm trà và bộ dụng cụ ăn uống có màu sắc hài hòa với tổng thể bàn tiệc. Đôi khi hoa tươi và một vài món đồ trang trí phù hợp với chủ đề bữa tiệc cũng được thêm vào để giúp bàn trà sinh động hơn

Khi nghệ thuật trà chiều du nhập sang các châu lục khác, nghi thức tổ chức tiệc lại tiếp tục được biến tấu cho hài hòa với văn hóa bản địa

TRÀ CHIỀU SÁNG TẠO TRONG BỐI CẢNH HIỆN ĐẠI

Cuối thế kỷ 19, giá nhập khẩu nguyên liệu trà từ phương Đông vào nước Anh trở nên phải chăng hơn. Nhờ thế, nghệ thuật trà chiều bắt đầu len lỏi tới tầng lớp trung lưu và thậm chí còn vươn mình ra khỏi biên giới, đến với nước Mỹ xa xôi. Vào những năm 1920, các buổi tiệc trà chiều đã có sự hiện diện của âm nhạc, giúp bầu không khí thêm sinh động. Giới thượng lưu vẫn giữ thói quen tổ chức tiệc tại vườn nhà, nhưng người trẻ sành điệu tại Anh và Mỹ đã có thể tham dự tiệc trà chiều ở sảnh các khách sạn hạng sang. Sự chuyển mình này tác động khá nhiều lên nguyên tắc thưởng trà chiều cổ điển, càng về sau càng trở nên phóng khoáng và cởi mở hơn. Khi nghệ thuật trà chiều du nhập sang các châu lục khác, nghi thức tổ chức tiệc lại tiếp tục được biến tấu cho hài hòa với văn hóa bản địa. Điều này được thể hiện rõ trong quy cách nội thất của địa điểm tổ chức tiệc trà. Ban đầu chỉ gói gọn trong sân vườn của không gian kiến trúc châu Âu cổ điển và Chinoiserie, về sau tiệc trà chiều có thể mang sắc thái Indochine hay Japandi (sự kết hợp của phong cách kiến trúc Nhật Bản truyền thống và phong cách Scandinavian).

Ngay tại nước Anh, nơi khai sinh của văn hóa trà chiều, ngày nay tiệc trà không còn được xem là một nghi thức thường nhật. Người dân Anh vẫn ưa chuộng nét văn hóa này, nhưng thường chỉ dùng tiệc trà tại các nhà hàng hoặc khách sạn cung cấp dịch vụ vào những dịp đặc biệt. Nhiều bước chuẩn bị rườm rà được tinh gọn, các quy định cũ được giản lược. Tuy nhiên điều thú vị là số lượng đồ ăn trong tiệc trà chiều ngày nay lại tăng lên đáng kể so với thuở ban đầu. Trên bàn trà hiện đại có thêm nhiều món ẩm thực và đồ trang trí mang tính giao thoa văn hóa, điển hình trong số đó phải kể đến rượu vang, cà phê, cocktail, trái cây tươi, bánh macaron và một số loại bánh chocolate. Lá trà được sử dụng trong tiệc cũng phong phú hơn, có thể lên tới hàng trăm loại khác nhau. Đặc biệt, trà túi lọc cũng được chấp nhận trong một số hoàn cảnh nhất định.

Một bàn trà chiều hiện đại hoàn toàn có thể trình bày bằng các loại hoa trái và bộ đồ trà nội địa phù hợp với điều kiện địa lý và văn hóa của quốc gia sở tại.

Lá trà được sử dụng trong tiệc cũng phong phú hơn, có thể lên tới hàng trăm loại khác nhau

Trên bàn trà hiện đại có thêm nhiều món ẩm thực và đồ trang trí mang tính giao thoa văn hóa

TRÀ CHIỀU TẠI VIỆT NAM – LÀM SAO CHO ĐỘC ĐÁO?

Phương Đông và trà có lẽ không còn là mối tương giao xa lạ nữa, vậy khi nghệ thuật trà chiều của phương Tây tìm đến, hai luồng văn hóa sẽ có sự cộng hưởng thế nào?

Có thể nói rằng Việt Nam là một đất nước yêu thích uống trà. Dù việc thưởng trà ở nước ta chưa đạt thành “đạo” như ở Trung Quốc hay Nhật Bản, nhưng cũng không ai phủ nhận được rằng ấm trà nóng là nét văn hóa gắn liền với đời sống thường nhật của nhiều người dân Việt. Ở Việt Nam, hoạt động uống trà thường gắn liền với hai mục đích chính: thứ nhất là để giao lưu, thứ hai là để dưỡng thân – tâm. Có khách đến nhà, gia chủ liền hãm nhanh một ấm trà và cùng ngồi xuống trò chuyện, thăm hỏi lẫn nhau. Đôi khi trên bàn có thêm vài món ăn kèm, đa phần là bánh, kẹo ngọt địa phương. Cũng mang chút nét tương đồng với văn hóa uống trà của người Anh như thế, nhưng về cơ bản, cái hồn của trà Việt là sự mộc mạc và dân dã. Thói quen hội họp uống trà, ăn bánh ở nước ta xuất phát từ tầng lớp lao động, vì vậy sớm chuyển mình thành văn hóa đường phố. Thế hệ trẻ Việt nam vẫn kế thừa và phát triển tinh thần này, những khái niệm vui như “trà đá vỉa hè” vẫn còn sức sống cho tới ngày nay.

Sở thích uống trà được lưu truyền qua nhiều thế hệ khiến người Việt dễ dàng đón nhận các nét văn hóa trà nói chung. Nghệ thuật trà chiều chỉ mới phổ biến ở Việt Nam gần đây, bắt đầu nở rộ theo làn sóng mở cửa và hội nhập quốc tế. Vậy nhưng hiện nay, không khó để tìm thấy một địa điểm để trải nghiệm trà chiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng, các điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Hội An, Nha Trang… Hầu hết các khách sạn 5 sao đều cung cấp gói thưởng thức trà chiều với cả hai bản phối cổ điển hoặc hiện đại. Một số nhà hàng và tiệm bánh lớn cũng bổ sung thực đơn trà chiều như một cách làm giàu trải nghiệm cho khách hàng.

Bộ đồ trà và dụng cụ ăn uống trên bàn trà ngày càng đa dạng hơn về mẫu mã, chủ đề. Một số thương hiệu nổi bật trong lĩnh vực này phải kể đến Villeroy & Boch, MacKenzie-Childs, Madmoiselle…

“Giá trị” của một tiệc trà chiều là những giây phút quây quần thảnh thơi cùng tinh thần duy mỹ. Dù lan tỏa đến bất kỳ đâu, nghi thức chuẩn bị bàn trà chiều vẫn xứng đáng được coi là một môn nghệ thuật sắp đặt đích thực.

Tuy nhiên theo lời chị Cheng Bảo Phương (doanh nhân, nhà thiết kế nội thất), việc di chuyển từ nhà tới các địa điểm nhập tiệc trà chiều bên ngoài có thể hơi mất thời gian và bất tiện. Vì thế, ngày càng nhiều người Việt muốn học hỏi và làm sống lại văn hóa tổ chức tiệc trà tại gia. “Chuẩn bị tiệc trà tại gia cho tôi không gian thoải mái và được tự do bày biện bàn trà theo đúng phong cách cá nhân”, chị chia sẻ. Cá nhân hóa cũng là từ khóa quan trọng đối với tiệc trà chiều ở nhiều nơi bên ngoài nước Anh, Việt Nam tất nhiên không phải ngoại lệ. “Nhập gia tùy tục”, bàn trà chiều của các gia chủ Việt Nam có thể biến tấu theo vô vàn phong cách khác nhau mà vẫn giữ lại những nét cơ bản nhất làm nên khái niệm trà chiều. Tháp bánh bên cạnh bộ đồ trà đẹp mắt vẫn còn đó, nhưng các loại bánh có thể thay đổi cho phù hợp hơn với khẩu vị người Việt. Thay vì dùng dụng cụ ăn uống là đĩa sứ Trung Hoa và thìa nĩa bạc, ta có thể thay bằng gốm sứ nội địa như Minh Long, Bát Tràng… Bên cạnh đó, tiệc trà cũng có thể được trang trí theo các theme (chủ đề) gắn kết với đời sống tinh thần của người Việt như bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, Tết cổ truyền hay Tết Trung thu. Chủ đề thay đổi dẫn tới cách bày biện bàn trà thay đổi, chủ tiệc được sáng tạo từ màu sắc của tấm khăn trải, cho đến hình thức của bộ đồ trà.

Qua nhiều biến động của lịch sử và văn hóa, có thể thấy giá trị căn cốt nhất của một tiệc trà chiều còn lại là những giây phút quây quần thảnh thơi cùng tinh thần duy mỹ. Dù lan tỏa đến bất kỳ đâu, nghi thức chuẩn bị bàn trà chiều vẫn xứng đáng được coi là một môn nghệ thuật sắp đặt đích thực. Tham dự tiệc trà chiều không chỉ để cảm nhận chút nét xa hoa kiểu Anh được bảo tồn qua nhiều thế kỷ, mà còn là để thưởng lãm vẻ đẹp tinh tế của một bàn tiệc được chuẩn bị công phu, thể hiện mối giao thoa văn hóa giữa các quốc gia và gu thẩm mỹ đặc trưng của từng chủ tiệc.

 

Nguồn: Sưu tầm

+84 918 107 788 0918 107 788 Luxart
error: Content is protected !!