Bài viết của nhà sử học, nhà văn và doanh nhân Đức Rainer Zitelmann. Ông cũng là chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực Bất động sản. Zitelmann gây dựng sự giàu có thông qua các hoạt động kinh doanh và viết tổng cộng 25 cuốn sách bán chạy trên khắp thế giới.
Người giàu có những điểm chung nào?
Trong truyện ngắn “Cậu bé giàu có” (1926), nhà văn nổi tiếng người Mỹ F. Scott Fitzgeraldviết: “Để tôi kể cho bạn nghe về những người siêu giàu. Họ khác bạn và tôi. Họ sở hữu và tận hưởng sớm, điều đó khiến họ trở nên mềm yếu nơi chúng ta cứng rắn, hoài nghi nơi chúng ta tin cậy. Trừ khi bạn sinh ra đã giàu có, không thì sẽ rất khó để hiểu”.
Mọi người vẫn luôn mặc định rằng người giàu có điều gì đó khác biệt, không chỉ về những gì họ sở hữu mà còn ở tính cách của họ. Tuy nhiên, không có nhiều nghiên cứu khoa học xác nhận hoặc bác bỏ luận điểm này, ở cả Mỹ và châu Âu. Năm 2019, một nhóm 6 nhà kinh tế học và tâm lý học đã tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn. Họ phỏng vấn 130 người giàu và lập ra những bộ hồ sơ tâm lý để so sánh với người bình thường khác.
Mô hình tính cách Big Five với 5 yếu tố tính cách với các phương diện: sự hướng ngoại, sự dễ chịu, sự cởi mở, sự tận tâm và sự nhạy cảm được các Nhà khoa học sử dụng để so sánh. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Người giàu ổn định hơn về mặt cảm xúc, có xu hướng ít bị loạn thần kinh hơn. Họ đặc biệt hướng ngoại và cởi mở hơn với những trải nghiệm mới. Họ không tìm cách né tránh xung đột và không dễ thỏa hiệp. Các triệu phú cũng tận tâm hơn khi luôn làm việc kỹ lưỡng, tỉ mỉ, siêng năng, tổ chức tốt, đúng giờ và kiên trì.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các triệu phú dễ tự ái hơn và có khả năng kiểm soát mạnh mẽ tâm trí mình. Điều này thể hiện họ sẽ thích những câu nói như “Tôi tự quyết định cuộc đời mình” hơn là suy nghĩ “Những gì tôi đạt được chủ yếu là do may mắn hoặc số phận”.
Triệu phú thích đưa ra quyết định cảm tính, sẵn sàng tự nhận lỗi
Kết quả của nghiên cứu kể trên nhất quán với kết quả trong luận án tiến sĩ của tôi về “Giới thượng lưu giàu có”, dựa trên cuộc phỏng vấn với 45 cá nhân giàu có. Hầu hết những người được phỏng vấn đều là triệu phú tự thân, người ‘nghèo’ nhất có tài sản từ 10-30 triệu Euro còn những người còn lại sở hữu tài sản ròng 30 triệu – 1 tỷ Euro và hơn thế.
Luận án của tôi cũng kết luận người giàu có tâm lý ổn định, không dễ bị rối loạn thần kinh, đặc biệt cởi mở với trải nghiệm mới, hướng ngoại và tận tâm hơn nhưng tính cách không quá dễ chịu.
Tôi đã có những cuộc phỏng vấn chuyên sâu kéo dài 1-2 tiếng đồng hồ cùng một bảng hỏi 50 câu. Tôi phát hiện ra rằng giới siêu giàu thường là những người không thích tuân thủ quy tắc. Họ thích bơi ngược dòng chảy đang thịnh hành, sẵn sàng thể hiện quan điểm trái ngược với những suy nghĩ phổ biến. Người giàu cũng có nhiều khả năng đưa ra quyết định dựa trên cảm tính hơn người khác. Họ có xu hướng dựa vào trực giác nhiều hơn là phân tích chi tiết.
Và quan trọng nhất, họ có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt để đối phó với sự thất bại so với nhiều người. Họ không tìm cách đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh vì những lỗi lầm mà tìm cách xác định nguyên nhân của thất bại nằm ở bản thân họ. Các triệu phú này này luôn có suy nghĩ: “Nếu lỗi thuộc về tôi, tôi có thể thay đổi nó. Tôi đang kiểm soát cuộc đời của chính mình”.
Có nhiều lý do tại sao một số người tìm được con đường để trở nên giàu có còn người khác thì khó khăn hơn, nhưng sự kết hợp cụ thể của các đặc điểm tính cách của 2 nghiên cứu chắc chắn là một trong lý do đó. Người giàu sẽ còn giàu hơn vì họ không giống đám đông ở hành động, suy nghĩ như cách nhà văn Fitzgerald viết: “Người giàu khác với bạn và tôi.”
Nguồn: Sưu tầm